LẠY CHA CHÚNG CON

« Kinh Lạy Cha“ là lời cầu duy nhất Đức Ki-tô đã dạy cho môn đệ, và từ 2000 năm nay, kinh này là phần không thể thiếu trong thánh lễ. Kinh này – cũng như kinh tin kính, như các bộ tộc Is-ra-en, như số các tông đồ và số hình sao trên trời – có tất cả 12 câu. Và 12 câu này lại gồm đúng 7 lời cầu. Hẳn phải có một bí ẩn lớn trong đó?

Có phải gồm 12 câu hay không, tôi không biết. Và trong bản bằng tiếng Hi-lạp cũng có số câu như vậy hay không, lại là một chuyện khác nữa. Nếu quả như vậy, thì đây là một cấu trúc khá đặc biệt. Ta có hai kinh Lạy Cha, một theo Lu-ca và một theo Mát-thêu. Quả thật hay, khi toàn bộ nội dung và thứ tự mong ước được gói trọn trong bảy lời cầu, và mỗi chữ đều mang một ý nghĩa sâu xa.

Chỉ một từ Cha mà thôi, nói lên tương quan cha – con giữa Chúa và ta, đã đầy ắp ý nghĩa rồi. Từ chúng con cũng quan trọng không kém. Con cái Chúa không phải là „con“ đơn lẻ, mà là „chúng con“. Như thế, cấu trúc lời kinh đó chứa đựng một kho tàng, mà ý nghĩa chỉ được khám phá dần dần qua bao nhiêu thế kỉ.

Kinh Lạy Cha chẳng bao giờ trở nên cổ hủ…

Không biết có bao nhiêu tác giả đã viết về kinh đó, vì mỗi người có một cảm nhận riêng. Vì thế, cũng như lời Chúa và kinh Tin kính, kinh này một mặt mang một hình thù bất biến, nhưng mặt khác nó luôn mới, vì là nguồn cho những cảm nghiệm bất tận, nó luôn đẩy ta đi tới. Ta không bị trói vào quá khứ cứng đơ, nhưng kinh Lạy Cha là một vùng đất đầy khám phá, trong đó chính mỗi người cũng có thể tìm ra cho mình những điều mới.

Tại sao Giáo Hội cầu kinh đó hàng ngày trong thánh lễ? Phải chăng vì đó là lời kinh do Đức Ki-tô dạy?

Có lẽ chỉ một lí do đó thôi cũng đã đủ rồi. Đó là lời kinh nguồn cội, mà ta cùng Đức Ki-tô cầu nguyện nhiều nhất và đúng đắn nhất. Đại giáo chủ Grê-gô-ri-ô viết trong một lá thư, kinh Lạy Cha trong thánh lễ mang tầm quan trọng nền tảng, vì rốt cuộc đó là kinh do chính Đức Ki-tô dạy. Ngài nói thêm, kinh đó cao trọng hơn bất cứ một kinh nào do con người lập, và cũng quan trọng hơn những lời kinh phụng vụ.

Một chỗ trong kinh Lạy Cha: “và đừng dẫn chúng con vào chước cám dỗ”. Tại sao một Thiên Chúa nhân từ lại muốn cho chúng ta sa chước cám dỗ? Có phải đây là một lỗi dịch thuật? Sư huynh Roger, người sáng lập phong trào Taizé, một cộng đoàn đại kết ở Pháp, đề nghị nên cầu như vầy: “và đừng để chúng con sa chước cám dỗ”.

Người ta đã thắc mắc nhiều về chuyện trên. Tôi biết, thủ tướng Đức Adenauer đã ép Hồng Y Frings phải xét lại câu đó. Chúng tôi vẫn luôn nhận được thư đề nghị nên đổi theo hướng trên. Dịch đúng chữ phải là “đừng dẫn chúng con vào chước cám dỗ”. Đâu là ý nghĩa của câu này?

Những người cầu xin biết rằng Chúa chẳng ép mình vào đường xấu. Ở đây, có thể nói họ khẩn cầu Ngài đi với họ trong cơn cám dỗ. Thư thánh Gia-cô-bê nói rõ, Thiên Chúa trắng ngần không một vết nhơ chẳng cám dỗ ai cả. Nhưng Chúa có thể thử thách chúng ta – như trường hợp Ab-ra-ham - để chúng ta trưởng thành hơn, để chúng ta đối diện với hố thẳm của mình, và để rồi lại đưa ta về bên Ngài. Như vậy, chữ “cám dỗ” cũng có nhiều tầng ý nghĩa. Rõ ràng Chúa chẳng bao giờ dẫn ta vào đường xấu. Nhưng có thể Ngài không cất đi khỏi ta những cám dỗ, Ngài muốn giúp và dẫn ta, như đã nói, qua thử thách.

Ta cầu Ngài đừng để ta sa chước cám dỗ, đừng để ta đi vào đường xấu, đừng thử thách ta quá sức; cầu Ngài ra tay giúp đỡ sự yếu hèn của ta, để ta khỏi mất Ngài.

Nghĩa là vẫn để nguyên câu đó?

Theo tôi nên để nguyên. Mà cũng không có việc nghiêm cấm chuyện dịch theo các lời đề nghị như kiểu của sư huynh Roger Schütz. Tuy nhiên, theo tôi, vì lòng khiêm tốn, cứ để nguyên như vậy và gắng đi vào chiều sâu của lời kinh thì tốt hơn.